7 thói quen của lãnh đạo xuất chúng
Bất kể là nam giới hay phụ nữ, người lãnh đạo cần phải truyền được cảm hứng cho nhân viên không ngừng nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân để hoàn thiện công việc một cách tốt nhất. (Dân trí)
Theo Peter Economy, chuyên gia nghiên cứu về khoa học quản trị, công việc lãnh đạo không chỉ cần nghệ thuật khéo léo trong xử lý các mối quan hệ mà còn mang tính khoa học. Luyện tập được 7 thói quen của những nhà lãnh đạo xuất chúng dưới đây, bạn sẽ gia tăng được sức mạnh lãnh đạo của mình.
1. Không ngừng thúc đẩy bản thân
Một phần yêu cầu đối với những nhà lãnh đạo xuất chúng chính là không ngừng nỗ lực từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc.
Bạn cần nắm được từ cách thức làm việc hòa hợp với những đối tác, nhân viên liên quan, đến cách thức xây dựng chiến lược phát triển phù hợp cho tổ chức từng giai đoạn, và nhất là làm thế nào để dẫn dắt tập để đi theo tầm nhìn đó.
Không ngừng học hỏi và luyện tập, bạn sẽ tạo ra được hình mẫu lãnh đạo tốt nhất phù hợp với vị trí.
2. Vững chãi trước áp lực
Khi công việc gặp khó khăn, hãy trở thành điểm tựa trấn an và tạo cảm hứng để các thành viên trong công ty tiếp tục công việc. Là một người lãnh đạo giỏi có nghĩa là ngưng hứa hẹn về những điều sẽ làm, xắn tay áo lên và làm thực sự, nhất là trong tình huống một sự phản hồi bằng hành động là cần thiết để đưa mọi xáo trộn trở về lại với trật tự cũ.
Bạn cần học cách chấp nhận mọi tình huống có thể xảy ra, hành động quyết đoán và tìm cách để trấn an nhân viên của bạn. Hãy giúp họ vượt qua những nỗi sợ hãi, lo lắng trước những thách thức lẫn biến động.
Hãy bình tĩnh dẫn dắt tổ chức của bạn vượt qua những cột mốc khủng hoảng bằng tầm nhìn, sự tự tin lẫn trái tim của bạn.
3. Chính trực
Phần đông các nhân viên đều mong muốn người lãnh đạo của mình sẽ chân thành, công tâm, đứng đắn và thẳng thắn. Người lãnh đạo sẽ tạo đủ điều kiện để mọi nhân viên đều có cơ hội thăng tiến và phát triển năng lực bản thân, miễn họ nỗ lực cống hiến cho công ty những giá trị xứng đáng tương ứng.
Khi bạn cư xử bằng sự chính trực, bạn sẽ nhận lại được sự trung thành của nhân viên đối với cá nhân và công ty của bạn.
4. Truyền cảm hứng làm việc nhóm
Để truyền cảm hứng trong công việc cho nhân viên, bạn không nên chỉ dừng lại ở những bài diễn thuyết xây dựng niềm tin vào mục tiêu chung mà cần tạo ra môi trường làm việc hài hòa.
Thực tế cho thấy, hầu hết mọi người chỉ làm tốt nhất công việc của mình khi họ nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, người quản lý. Sự hỗ trợ này bao gồm cả vật chất để thực hiện công việc lẫn các ý kiến phản biện, sự động viên, ghi nhận và chia sẻ khó khăn từ những cộng sự gần gũi với họ.
Làm được điều này, bạn sẽ gia tăng được tính tự chủ lẫn sự gắn kết của nhân viên với công việc.
5. Giữ vững niềm tin vào bản thân và cộng sự
Bất kể những khó khăn đang chờ phía trước, người lãnh đạo cần giữ vững niềm tin vào tầm nhìn đối với tổ chức. Và khi con thuyền bạn đang lèo lái gặp sóng to gió lớn, đừng để những lời nói đối lập hủy diệt đi niềm tin và quyết định hành động của bạn.
Hãy nhìn nhận những thất bại như những trải nghiệm cung cấp thêm thông tin để bạn tìm ra con đường tốt hơn để đạt được mục tiêu chung. Những nhà lãnh đạo bản lĩnh thường dùng chính những kinh nghiệm có được từ thất bại để cải tiến hiệu suất trong công việc, thay vì đau khổ và từ bỏ.
6. Thường xuyên giao tiếp
Giao điểm chung của những người lãnh đạo xuất chúng là thói quen giao tiếp thường xuyên, thẳng thắn với các cộng sự trong cùng tổ chức. Họ luôn mở rộng các kênh để giao tiếp với nhân viên, cộng sự để thông báo về quyết định mới, phản hồi trong quá trình làm việc và cả gia tăng sự gắn kết với các nhân viên thông qua những lần trò chuyện truyền cảm hứng...
Và khi bạn nghe thấy các nhân viên chia sẻ với nhau về những điều bạn đã thông báo, động viên nhau bằng những ý tưởng truyền cảm hứng của bạn thì đó chính là dấu hiệu cho thấy bạn đã tạo được dấu ấn tích cực cho tổ chức.
7. Nhìn vào tổng thể
Trong một tổ chức, nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm đối phó với các cuộc khủng hoảng, các vấn đề phát sinh trong quá trình kinh doanh. Song, điều quan trọng chính là các người lãnh đạo phải luôn luôn giữ được thế cân bằng trong khi theo dõi bức tranh hoạt động tổng thể.
Một mặt, bạn cần theo dõi để xử lý những vấn đề phát sinh, mặt khác bạn cần quan sát để phát hiện kịp thời các cơ hội để mở rộng công việc kinh doanh.
Nếu bạn quá tập trung vào một khía cạnh nào đó trong bức tranh tổng thể, khả năng cao là bạn sẽ đưa ra những quyết định sai lầm, có thể gây hại cho sự phát triển của tổ chức.
Theo Lâm Nghi/Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Công việc và thăng tiến nghề nghiệp
Có lần, một cư dân mạng đã chia sẻ một câu chuyện về quan niệm của nhiều người về công việc và nghề nghiệp như sau:
“Bất kỳ lúc nào bị trễ giờ đến nơi làm, tôi lại chọn giải pháp tốt nhất là nhảy vào một chiếc taxi đầu tiên nhìn thấy bên đường. Thông thường, tôi luôn đặt ra vài câu hỏi để làm tan đi sự im lặng giữa người tài xế và khách, đại loại như “Hôm nay anh đã chở được bao nhiêu khách rồi?” và tiếp theo là “Anh có thấy thú vị với nghề lái taxi không?”.
Lần này, ngay khi những lời ấy vừa rời khỏi miệng, một cảm giác hối tiếc ập đến với tôi, dù hơi muộn màng. Sau năm phút nặng nề trôi qua, tôi mới nghe được lời đáp của người tài xế với câu hỏi thứ hai của tôi. Anh ta chậm rãi giải thích là làm tài xế taxi chỉ là một công việc, không phải là một nghề nghiệp.
Anh chẳng thấy vui vẻ gì khi cả ngày phải làm công việc nhàm chán này. Tôi tò mò, hỏi thêm về nghề nghiệp nào mà anh ta cho là tìm thấy được sự thú vị.
Câu trả lời là ví dụ làm bảo vệ một trạm ATM ở nơi nào đó. Tôi đã bật cười khi nghe điều ấy. Tôi định bụng là cho tới lúc tôi xuống xe, cứ mỗi ý tưởng vui như vậy được phát ra sẽ xứng đáng hưởng một khoản tiền bo. Và rồi tôi đã cười không chỉ một lần. Thật ra chuyện không đáng cười.
Sau khi những tiếng cười chấm dứt, tôi sớm nhận ra được một bài học mình vừa tiếp nhận. Đó là dù trong hoàn cảnh nào, điều thú vị mà người ta quan tâm đến là công việc đang làm có đường thăng tiến nào không. Có vẻ như điều ấy còn quan trọng hơn cả chính bản thân công việc mà họ đang làm nữa”.
Quay lại với chuyện quản lý trong doanh nghiệp. Câu hỏi được đặt ra là: Doanh nghiệp có chỉ ra được đầy đủ mọi lộ trình thăng tiến cho đội ngũ nhân viên của mình không? Liệu với những công việc không có đường thăng tiến thì nhân viên sẽ cảm nhận ra một ngõ cụt lấp ló ở cuối đường không? Khi không thăng tiến được, nhân viên sẽ chán nản, làm việc kém hiệu quả và liệu họ sẽ chuyển sang nơi làm việc mới không?
Xem ra, kịch bản của câu chuyện thăng tiến phải được xây dựng từ hai phía:
- Phía lãnh đạo doanh nghiệp cần thiết kế trước các lộ trình thăng tiến nghề nghiệp và đặt ra chính sách, tiêu chuẩn năng lực cần thiết đối với từng vị trí công việc theo một lộ trình, rồi công bố rộng rãi để mọi nhân viên đều có hình dung ra họ sẽ đi lên trong lộ trình đó ra sao.
- Phía đội ngũ nhân viên, ai cũng cần học hỏi và tích lũy dần những năng lực cần thiết nhằm đáp ứng được những đòi hỏi và mong đợi của doanh nghiệp đối với từng vị trí công việc trên suốt lộ trình để có thể nghiễm nhiên thăng tiến mà không lo gặp phải ngõ cụt vào một ngày nào đó.
Nói thì đơn giản như vậy, nhưng kỳ thực, việc doanh nghiệp thiết kế được các lộ trình thăng tiến cho đội ngũ nhân viên là một việc không dễ dàng chút nào. Nếu doanh nghiệp muốn mình sở hữu một nguồn nhân lực đủ mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường thì sớm hay muộn gì cũng phải cố gắng thực hiện cho được công việc đó. Nó cũng quan trọng tương tự những yếu tố khác như tài chính, khách hàng hay hệ thống các quy trình nội bộ trong doanh nghiệp
Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét